Giỏ hàng

Hòa thượng Thường Chiếu dạy về hạnh hiếu

Rằm tháng bảy còn gọi là ngày trung nguơn, ngày báo hiếu, cũng là ngày tự tứ. Tự tứ tức là ngày Phật hoan hỷ. Với người Phật tử Việt Nam, nói báo hiếu thì dễ hiểu hơn. Vì trong ngày này, tất cả những người con đều một lòng hướng về đấng sanh thành dưỡng dục của mình. Và tùy theo hoàn cảnh, khả năng, thực hiện hiếu hạnh để đền đáp phần nào thâm ơn này.

Vấn đề hiếu đạo trong nhà Phật phải được chúng ta hiểu và hành như thế nào?

Thường trong kinh nói hiếu là mẹ của tất cả các công đức, hiếu là đầu của tất cả các hạnh. Hạnh hiếu là hạnh của Phật, đạo hiếu là đạo của Phật. Như vậy, dù chưa phải là người Phật tử qui y Tam Bảo, giữ giới của Phật, nhưng biết hiếu đạo, tức là chúng ta đã làm theo lời Phật dạy. Vì vậy, ở Việt Nam chúng ta, việc thống kê số lượng Phật tử khó có thể chính xác. Bởi vì đạo dân tộc là đạo hiếu. Mà đạo hiếu là đạo Phật.

Hôm nay chúng tôi nêu lên hai việc mà người Phật tử có thể thực hiện được trong vấn đề hiếu đạo.

Thứ nhất là hiếu hạnh về phương diện hình thức vật chất. Đây là việc bổn phận mà tất cả những người con có cha có mẹ đều phải thực hiện.

Mỗi người chúng ta đều có phúc nghiệp riêng không ai giống ai. Trên đời này có những người dư dả kể từ hồi còn nằm nôi, có kẻ cả một đời vất vả mà không tạo nên được một nóc nhà. Như vậy làm sao trôi tròn được hiếu hạnh, làm sao tu tập được hiếu đạo. Do đó ở đây tôi nêu lên cái tâm là trọng yếu. Tùy theo tấm lòng của chúng ta.

Trong nhà Phật thường dạy: Tâm thành thì việc tốt. Tâm thành, dù một việc hết sức bình thường mà tác dụng, kết quả rất to lớn. Cho nên nói đến đạo Phật là nói đến tâm. Việc làm của người con Phật là căn cứ từ nơi tâm. Mọi sinh hoạt của chúng ta phải xuất phát từ tâm chân thành. Phật dạy nói lời gì, làm việc gì đều phải từ chân tâm. Lượng bao nhiêu cũng tốt nhưng phẩm chất mới thật có giá trị.

Nói tâm thì ai cũng có tâm. Ai cũng là con người, ai cũng có nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ, ai cũng có cha có mẹ, có sự sống. Chúng ta ngồi đó ca tụng rằng mẹ sinh ra với bao nhiêu nhọc nhằn năm tháng nuôi nấng. Mẹ là cồn đảo của con, là sự bảo bọc, là sự sống v.v… Ca tụng chừng nào mới hết. Bút mực nào tả được. Chỉ có đem lòng thành, tùy theo hoàn cảnh, phúc báo của mình… Theo đó mà trôi tròn hiếu đạo. Việc này ai cũng có thể làm được. Một điều hết sức hổ thẹn nếu như chúng ta chỉ nói mà không làm được. Như vậy chúng ta chỉ nói suông, không có giá trị. Điều này phải nên tránh xa.

Có câu chuyện thế này. Một tu sĩ nọ muốn đi đến Tây Phương để tìm gặp Phật Tổ. Nhiều người biết được nên gởi gắm phẩm vật và những nguyện ước của họ cho tu sĩ, mong khi vị này đến được cảnh giới Tây Phương sẽ vì họ mà dâng lên cúng dường Phật Tổ. Nhưng đường dài gian khó, năm lụn tháng chầy vị tu sĩ này quá mệt mỏi, do đó nên ông quên và vất bỏ hết những gì bạn hữu gởi gắm. Tuy nhiên, ông cũng đến được Tây Phương, nhưng khi tới nơi, ông mới vỡ lẽ tất cả những vị gởi phẩm vật cúng dường đó đã đến hầu bên Phật hết rồi. Hỏi ra mới biết ông đã vứt hết những phẩm vật do lòng chí thành của bạn hữu dâng cúng Phật. Do đó vị tu sĩ này phải chịu quả báo, trở về lặn hụp ở chỗ bùn nhơ ẩm thấp, để mò tìm những vật gì ông đã vứt đi. Cho nên nói được thì phải làm được. Bằng không thì tốt hơn hết đừng nói. Mọi việc đều quý ở chỗ tâm thành.

Phật nói ai cũng có tâm hết, không ai mà không có tâm. Cũng giống như con người của chúng ta có hơi thở, có sự sống, có quả tim. Có người hiểu quả tim đó là tâm, nhưng không phải. Tim đó là một khối thịt. Nó chỉ hoạt động theo chức năng sinh học mà thôi. Còn tâm theo đạo Phật thì không hình không tướng, sẵn ở nơi ta mà cũng bàng bạc khắp nơi. Muốn trở về tâm trước tiên ta phải nhận diện lại được nó. Đừng chạy ra bên ngoài, mà hãy nên xoay lại chính mình thì mới có thể nhận và sống được với tâm.

Kết lại, chủ yếu của đạo Phật là quay về nhận lại bản tâm của mình. Làm bất cứ việc gì cũng từ tâm. Hãy bình thản, sáng suốt thì sẽ thấy tâm mình.

Đó là việc cung phụng cha mẹ, đối với người không đủ điều kiện vật chất thì người ấy nên dùng tâm mà báo hiếu với song thân. Tôi có gặp một hoàn cảnh của người nông dân thật đáng thương. Nhà anh cách nhà mẹ của anh chỉ một con sông mà quanh năm anh không về thăm được một lần. Anh kể suốt ngày hai vợ chồng quần quật làm thuê làm mướn để nuôi một đám con nheo nhóc. Mái nhà đàng hoàng còn không có, làm sao lo được cho mẹ. Anh rất mặc cảm khi gặp mọi người. Rồi con cái lớn lên, hai vợ chồng già yếu, chúng có được học hành gì đâu, cũng làm thuê làm mướn để kiếm sống như cha mẹ. Anh rất đau buồn khi nghĩ về mẹ già.

Gặp anh trong hoàn cảnh như vậy, tôi cũng không thể giúp đỡ gì hơn là khuyên anh hãy sống hết tình bằng cái tâm của mình. Tôi nói với anh rằng bất cứ hạng người nào trên đời này, có địa vị, không địa vị, già trẻ, giàu nghèo, người lành lặn hay khuyết tật… đều có tâm cả. Phật nói ai cũng có viên ngọc quí báu, tức là tính giác, là Phật tâm. Nên ai cũng có khả năng thành Phật. Anh cũng có, không nên mặc cảm.

Anh cứ sống bình thường, không nên trốn lánh tất cả. Cuộc sống như thế là do nghiệp cảm của anh từ quá khứ. Bây giờ phải gầy dựng lại, bằng cách nghĩ nhớ điều lành, làm việc lành, nói lời lành trong khả năng có được của mình. Như vậy tương lai khả dĩ chuyển được nghiệp xấu của anh.

Tôi nhớ có lần Hòa thượng cũng kể một chuyện về hiếu đạo. Trong một gia đình trung lưu nọ có hai người con được cha mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ tương đối chu đáo. Lớn lên cả hai đều lập gia đình. Song hai anh em có hai tính chất khác nhau.

Người em vâng lời dạy của cha mẹ, giữ truyền thống gia tộc, giáo dục con cái tốt, làm bổn phận đối với ông bà cha mẹ, xóm làng, xã hội. Những ngày kỷ niệm trong gia tộc, anh đều về thăm cha mẹ, gặp gỡ những anh em ruột rất là hài hòa. Anh sống bình thường như vậy và không hề nói rằng mình tu hiếu hạnh.

Nhưng người anh lại khác. Vị này cũng có gia đình, người bạn đời cũng là một người tốt, có kiến thức, biết gầy dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình, con cái cũng được dạy dỗ đàng hoàng. Cứ mỗi lần về gặp bố mẹ, anh đọc đi đọc lại, bố dạy con phải vầy, phải kia, song thực hiện những lời dạy đó thì không bằng người em. Ông em không nói mà làm, ông anh nói thuộc lòng mà không làm.

Hòa thượng kết lại: Người em mới thực sự có lòng hiếu thảo với cha mẹ. Còn người anh chưa thể thực hiện được đạo hiếu.

Rõ ràng quý ở cái tâm. Mà tâm thì ai cũng sẵn có, đâu đợi phải giàu sang, đầy đủ tiện nghi vật chất mới có.

Là con Phật, chúng ta thực hiện lời Phật dạy, sống hiếu hạnh với cha mẹ bằng một cái tâm như thế. Tuy nghèo nhưng tâm giàu cũng có thể đền đáp thâm ân sâu dày của cha mẹ như thường.

Lại, trong nhà Phật, người biết qui y, tu tâm dưỡng tánh, sống nhẹ nhàng, thực hiện lời Phật dạy… tức là thực hiện hiếu đạo. Chúng ta cố gắng làm sao trong gia đình không xảy ra chuyện gì gay cấn. Cuộc sống có bao lâu. Vô thường nhanh chóng, mọi thứ luôn đổi thay, không gì có thể nắm lại được. Như mái tóc, dù quý vị có uốn, nhuộm, sửa soạn thế nọ thế kia, nhưng quên bẵng đi một thời gian thì nó điểm sương rồi rụng bớt, già cỗi, không còn đẹp như thuở nào nữa. Vật mà mình luôn nâng niu, săn sóc cũng không bảo đảm được.

Người có phúc báo lớn lao, thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ như Phật nhưng đến tám mươi tuổi cũng phải già nua, mệt mỏi rồi nhập Niết Bàn. Huống là thân của chúng ta, đủ thứ u nhọt, bệnh hoạn, có gì sung sướng, tốt đẹp, vui vẻ đâu. Do đó tranh cãi nhau làm gì. Song muốn hài hòa gia đình, bản thân chúng ta phải làm gương trước. Nhẫn nhịn nhu hòa để kết hợp mọi người. Không thể có kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Sống hài hòa tức là sống theo tinh thần Phật dạy, thân miệng ý đều phải hòa đồng nhau. Làm việc gì với tâm hòa hợp thì kết quả sẽ tốt. Cung dưỡng phụng sự cha mẹ cũng như vậy.

Điều thứ hai là thực hiện đạo hiếu trên phương diện tinh thần. Phật dạy người con có hiếu là cố gắng hướng dẫn, khuyến khích cha mẹ đến với Tam Bảo, với Phật pháp. Đến với Phật pháp để làm gì? Đến với đạo để tìm hiểu, học hỏi nếp sống và lời dạy của Phật. Từ đó bản thân ta có một nếp sống đạo, nếp sống như lời Phật dạy…

Hướng dẫn cha mẹ đến với đạo, tạo điều kiện cho những người thân học hiểu giáo lý để áp dụng lời Phật dạy vào trong đời sống. Việc làm này đối với người không tin, không muốn đến chùa, chúng ta động viên khuyến khích không phải dễ đâu. Người đã không chịu tin thì dù có nói gì họ cũng vẫn không nghe. Có những vị đến chùa chỉ đứng ở ngoài chứ không chịu vô hoặc bảo thắp một cây nhang cúng Phật, họ nói rằng mê tín dị đoan.

Với những trường hợp này, người con phải khéo lấy bản thân làm niềm tin cho gia đình. Ví dụ chúng ta nói tu thì mình phải có đức hạnh, có đạo lý mới hướng dẫn khuyến khích người trong nhà được. Vì vậy, người con muốn thực hiện hiếu hạnh về mặt tinh thần thì tâm phải sáng suốt, kiên trì, tế nhị mới được.

Có một Phật tử là dược sĩ, gia đình khá giả. Ông chồng ngày xưa là cậu ấm. Hai gia đình môn đăng hộ đối. Họ sống với nhau rất là tâm đắc hạnh phúc, sanh được bốn năm người con. Con cái đều dễ dạy, học giỏi. Nhờ có bằng cấp dược sĩ, cô mở tiệm thuốc, rất khá giả.

Nhưng cô ít được đi chùa, vì phải làm bổn phận với chồng với con. Chồng là một cậu ấm từ bé nên lớn lên ông vẫn theo quan niệm phong kiến, bắt vợ phục vụ rất vất vả. Gia đình giàu có nhưng công việc hàng ngày không hở tay. Tuy nhiên cô vẫn cố gắng qui y và tìm cách học Phật. Cô lồng băng giảng của Hòa thượng, của quí thầy vào những băng nhạc Tây, nhạc Tàu. Lúc nào không có ông thì bà nghe băng giảng của Hòa thượng. Bất thần ông tới, nếu bà không tắt kịp thì ông phải nghe. Nghe nhiều lần ông để ý, nên đặt cái máy tốt hơn, lớn hơn ngay chỗ đó, chuẩn bị sẵn những băng nhạc kích động. Mỗi lần bà mở băng giảng của Hòa thượng thì ông mở nhạc lớn hơn, làm náo động cả bên ngoài. Bà không hề nói gì. Ông để ý thấy vợ tuyệt nhiên không có một sự phản đối nào. Ông lấy làm lạ, không biết mấy ông sư dạy gì mà bà này hay. Hôm đó tới ngày rằm, bà đi chùa, ông xin theo. Ông lái xe đưa bà đi, nhưng tới chùa ông đứng ngoài, không vô. Bà rủ vô thắp nhang, ông bảo thôi, tôi đâu có tội gì phải thắp nhang. Bà vào lễ Phật, cúng dường nhanh rồi ra về. Cứ thế, ông tìm mọi cách phá việc tu học của bà nhưng bà vẫn cứ kiên trì chịu đựng. Cuối cùng ông theo bà.

Ông xin sám hối với bà. Rồi từ đó mỗi tháng trên Chơn Không, Hòa thượng giảng một tuần, ông đều có mặt. Những lần đầu, chỉ có mấy ngày mà ông nhớ con nhớ gia đình quá, muốn bỏ cuộc về. Nhưng lại nghĩ đến bà, ông càng thương nên gắng nghe giảng nghe dạy. Sau đó, ông phát tâm tu, xuất gia được một thời gian thì chết.

Câu chuyện cho ta thấy kết quả của sự kiên tâm. Nếu trong gia đình mà gặp người bạn đời khó như vậy thì chúng ta phải kiên tâm mới vượt qua được. Tóm lại, nếu tâm vững chắc, tâm kiên cố thì việc gì cũng thành công.

Vì vậy về mặt tinh thần, hướng dẫn cha mẹ tu tập, gặp khó khăn chúng ta đừng nản, đừng buồn, đừng bỏ qua mà cố gắng thực hiện hiếu hạnh cho được. Đây chính là tu. Khi người thân không chịu đến với đạo, chúng ta muốn đem đạo lý đến với họ thật là khó. Nhưng nói một lần không được thì hai lần, ba lần… phải cố gắng, cuối cùng duyên thuận, tốt rồi thì người ta chịu nghe. Bởi vì thật ra người thân của mình có mối quan hệ huyết thống, tình cảm gia đình là một sợi dây ràng buộc nhiều đời khó dứt, nên rồi cũng phải theo nhau, nghe nhau.

Vì vậy trong quan hệ gia đình, nếu đạo tâm chưa vững, hành trì pháp môn chưa đắc lực, thì kết quả về sự tu học của mình và người thân chưa có là bao. Nên biết sợi dây luyến ái gia đình chưa cắt đứt thì đạo tâm chưa phát huy được, định tuệ chưa đầy đủ được. Việc tu hành chưa sâu sắc, thì chưa có lợi lạc. Trong kinh Tạp A hàm, Phật bảo các thầy Tỳ khưu, nếu người thọ trì bảy thứ thọ, người ấy sẽ được sinh lên cõi trời Đế Thích. Chính trời Đế Thích ngày xưa đã tu pháp này mà trong đó hiếu hạnh là gốc. Ông thường hay cúng dường cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Dung mạo ôn hòa, lời nói nhu nhuyến, không nói lời ác, không nói hai lưỡi, thường nói lời chân thật. Đối với thế gian bỏn xẻn, ông tuy tại gia nhưng không bỏn xẻn, thường hay bố thí bình đẳng tất cả. Nên sau đó ông được sanh lên cõi trời.

Vì vậy đối với cha mẹ, các bậc tôn trưởng, dung mạo chúng ta phải ôn hòa, lời nói dịu dàng. Ví dụ hôm nào trong nhà có chuyện không vui. Chúng ta cũng phải cố gắng giữ tâm mình. Không nên đổi nét mặt hay nói những lời không có đạo lý gây sự tỵ hiềm, mất đi tình nghĩa trong nhà. Những việc này từ đâu mà có? Cũng từ tâm thôi. Khi tâm phiền não không an, thì những bức xúc trong tâm sẽ hiện ra bộ dáng, gương mặt hầm hầm, lời nói khó nghe. Khi nổi nóng lên nói những lời ác độc, gây sự hiềm thù, mất hết đạo lý. Đó là những điều cấm kỵ, người Phật tử không nên như thế.

Thêm nữa, Phật dạy người tu hiếu hạnh còn là người biết bố thí. Bố thí là gì? Bố là mở rộng, thí là ban cho, ban cho rộng rãi. Theo tinh thần thiền, bố thí là buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ những cố chấp, tham lam, hẹp hòi, tăm tối, nhỏ nhen của chính mình. Do đó, người tu có thể bố thí trong bất cứ lúc nào, ở đâu cũng được. Nếu thấy có gì cần buông bỏ thì buông bỏ. Nếu chịu kiểm lại thì sẽ thấy còn có nhiều cái phải buông bỏ. Hãy mở rộng lòng ra để khoan thứ. Cho nên, trong gia đình có lỗi lầm gì, chúng ta tự khuyên nhắc, tha thứ cho nhau, chứ không cố chấp làm khổ cho nhau. Đó là hiếu thuận.

Người tu chúng ta thường phải nhìn lại mình, phản quan tự kỷ hay là phản bổn hoàn nguyên. Phản quan tự kỷ tức xoay lại lòng mình. Xoay lại để làm gì? Để xem những gì còn vướng mắc, không đúng đạo lý, còn khuyết dở, kém cỏi, hẹp hòi của chính mình, thì buông bỏ đi. Đó chính là thực hiện được những lời của Phật dạy.

Tóm lại, ở đây Phật dạy người muốn được quả phúc như trời Đế Thích thì trước nhất phải hiếu hạnh, sau đó phát khởi tâm rộng rãi bố thí. Như vậy mới mong hoàn bị được nhân cách, hưởng những phúc lạc cao hơn nữa. Cuối bản kinh ấy, Phật nói bài kệ thế này:

Cúng dường cho cha mẹ

Và gia tộc tôn trưởng,

Lời nhu hòa cung kính,

Lìa lời thô hai lưỡi,

Điều phục tâm bỏn xẻn,

Thường nói lời chân thật,

Cõi trời ba ba kia,

Thấy người hành bảy pháp,

Đều nói với họ rằng,

Sẽ sanh cõi trời này.

Nên biết cúng dường cho cha mẹ và các bậc tôn trưởng là thực hiện hiếu đạo. Khi làm việc này lời nói phải nhu hòa, cung kính, dứt bỏ những lời thô ác, những lời gây sự nghi kỵ, hiềm thù. Với xã hội hiện tại, mọi người đều hoan nghinh và thực hiện tinh thần đoàn kết thì lời nói hai lưỡi là lời nói cắt đứt sự đoàn kết. Cho nên, Phật dạy những điều rất có ích để xây dựng một xã hội hoàn bị.

Qua bài kinh, đức Thế Tôn dạy chẳng những đạo đức con người trong xã hội này mà luôn cả tinh thần đạo đức của các vị trời cao hơn, phúc báo lớn lao hơn cũng từ tu tập các pháp mà chúng ta đang học và đang áp dụng đây.

Nếu người không thể thực hiện cả bảy pháp, mà chỉ thực hiện một, hai pháp cũng có lợi lạc, cũng có kết quả tốt. Ví dụ chúng ta chỉ tu pháp là nói lời nhu nhuyến, dung mạo ôn hòa, cũng đã thành công khi tiếp xúc với mọi người.

Ai mà chịu nổi khi nghe một giọng nói như sấm, đinh tai, điếc óc, thấy bộ mặt là phát khiếp. Dù chúng ta muốn hợp đồng với người đó, hoặc vì mối quan hệ không thể thiếu người đó nhưng quả thực mình thấy trong lòng hồi hộp quá. Gặp đối tượng này không biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào đây. Cho nên chỉ hai pháp thôi: ôn hòa, nói lời nhu nhuyến, tu được hai pháp này cũng đã thành công rồi.

Trong gia đình, không có bà mẹ, ông cha nào có một đứa con dung mạo, ngôn hạnh dễ thương, dễ dạy mà lại ghét nó được.

Nếu đủ duyên, chúng ta thực hiện trọn vẹn bảy điều thì quí. Nếu chưa đủ duyên, chúng ta thực hiện từng điều một cũng tốt thôi.

Tóm lại, hiếu đạo được thể hiện trên hai mặt vật chất và tinh thần. Vật chất là cung dưỡng, phụng thờ, cúng dường. Tinh thần là hướng dẫn đến đạo lý. Người con tu hạnh hiếu chẳng những có lợi lạc ngay trong đời này mà phúc lạc sẽ được tăng tiến ở đời sau. Điển hình như trời Đế Thích.

Kinh Mục Liên sám pháp ghi lại câu chuyện này. Có hai người, một giàu một nghèo. Bấy giờ có một lão ăn mày đến nhà của người giàu có xin ăn. Người giàu có này lại rất bỏn xẻn, thấy dáng kẻ ăn mày tới là sợ rồi, cho nên đuổi ra, trong lòng bực bội, phiền não. Đó là trường hợp người giàu bị phiền não khi có kẻ ăn mày đến.

Bấy giờ lão ăn mày cũng đến gõ cửa ông nhà nghèo. Người nghèo cũng phiền não, vì hận mình không có của cải, phương tiện để giúp cho kẻ kia. Khác với phiền não của người giàu, người nghèo phiền vì không biết đời trước mình gây nhân gì để bây giờ không có phương tiện làm việc phúc thiện. Cũng là phiền não nhưng hai thứ phiền não khác nhau.

Phật kết luận, người nghèo khó kia sẽ sinh được cõi người, hưởng mọi thú vui. Vì do hận mình không làm được những việc công đức, nên cố gắng tìm cách tu tập. Dù có phiền não nhưng lòng không đóng kín. Do đó được sanh cõi người, hưởng phúc lạc. Trái lại, người giàu có vì lòng bỏn xẻn nên sinh vào loài quỉ đói, chịu khổ vô vàn.

Qua đoạn kinh trên, Phật dạy chúng ta mở rộng lòng mình thì dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tu tập được. Hiếu hạnh cũng vậy. Nếu không đủ duyên thì chúng ta cũng tìm cách tu tập, chớ nên buồn bực, phiền não mà bỏ hiếu đạo. Người biết mở lòng mình ra, thấy và nhận được những khuyết dở của mình là người tốt.

Nhân ngày rằm tháng bảy, là ngày báo hiếu, tôi muốn nói đến tâm của chúng ta là viên ngọc quí, là chân tâm, Phật tính hay là trí tuệ… ai ai cũng sẵn có. Thực hiện lời Phật dạy chúng ta tu hiếu hạnh, là sống lại với chân tâm đó. Đừng để nó chạy loạn ra bên ngoài. Sống được với tâm đó tức là sống được với chính mình và mọi người, trong đó có cha mẹ chúng ta.

Hạnh hiếu phải được thực hiện trên nền tảng bản tâm ấy gọi là hiếu đạo của người con Phật. Từ một tâm ấy mà tự lợi, lợi tha, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, xã hội quốc gia. Thế nên biết chữ tâm trong nhà Phật là gốc của muôn pháp. Mong tất cả chúng ta hãy nhận và sống lại với bản tâm của chính mình. Đó cũng chính là đền ân sanh thành dưỡng dục của song thân.

0977023696
article